Xây nhà tiết kiệm hơn khi áp dụng 10 lưu ý sau

Như Ngô – homify Như Ngô – homify
UNA CASA EN H REVESTIDA DE PIEDRA, NUÑO ARQUITECTURA NUÑO ARQUITECTURA Nhà
Loading admin actions …

Ai cũng ao ước có được tổ ấm của riêng mình, nhưng nếu có thể tự mình hiện thực hoá ước mơ đó và tham gia vào quá trình thi công từ đầu tới cuối thì hay biết mấy! Tuy nhiên, điểm đáng ngại duy nhất đối với mỗi chúng ta lại chính là chi phí phát sinh. Làm sao để có được sự thoải mái và an toàn cho gia đình yêu dấu của bạn mà vẫn không quá giới hạn túi tiền?

Có nhiều cách để giải quyết vấn đề nan giải này từng chút một: lập kế hoạch chi tiết cho cả quá trình thi công; lựa chọn các nguyên vật liệu xây dựng bền bỉ và kinh tế thay vì chạy theo mốt; cân nhắc tới nhu cầu của gia đình về lâu dài; lập một ngân sách dự phòng cho những tình huống bất trắc. Rồi cuối cùng, thành quả của bạn sẽ là một căn nhà vừa hữu dụng, lại linh hoạt và bền vững theo thời gian – chỉ cần thêm một chút cách tân nữa thôi là nó sẽ trông rất hợp thời. 

Hôm nay, chúng tôi đem đến cho bạn một loạt các gợi ý cần biết để tiết kiệm chi phí thi công nhà. Hãy ghi nhớ thật kĩ, vì chắc chắn là bạn sẽ thấy chúng vô cùng hữu ích đấy.

1. Lên kế hoạch dài hạn

Nếu bạn đang sống một mình thì hãy nhớ rằng rồi đây, mình cũng sẽ lập gia đình – hoặc là sống chung với ai đó. Còn nếu như bạn đã kết hôn thì hãy dự liệu đến việc sẽ có thêm con cái, rồi việc chúng sẽ trưởng thành. Hoặc ví dụ như, tuy rằng hiện giờ bạn chỉ thích dành thời gian ngồi nghe nhạc và xem TV – nhưng nếu lỡ sau này bạn thích công việc làm vườn thì sao? Tương lai bạn muốn có nhà bếp rộng hơn? Một cái giường to hơn cho phòng ngủ ở tầng trệt? Tất cả những điều này nên được cân nhắc kĩ lưỡng trước khi lên kế hoạch xây nhà. 

Chẳng may bạn không đoán trước được tương lai thì cũng đừng lo lắng, vẫn còn một lựa chọn: đưa sự linh hoạt vào không gian nhà ở. Ví dụ, nội thất trong nhà nên xây tường mỏng nhẹ, chừa ra một phần diện tích ngoại thất hay chuẩn bị sẵn phiến lót sàn và lợp trần nhà để có thể cất thêm lầu cũng là một vài cách hay.

2. Lựa chọn vật liệu xây dựng kinh tế mà bền vững

Đừng để bị loá mắt bởi mẫu mã thời trang của những nguyên vật liệu hào nhoáng mà quên đi độ bền và khả năng chịu đựng của chúng. Những lựa chọn kinh điển vẫn là tuyệt vời nhất! Bê tông và gạch đá vừa tốt, lại rất linh hoạt và chắc chắn. Tuy vậy, yếu tố thời tiết cũng tối quan trọng. Bê tông rất nhạy cảm với thời tiết: nếu trời nóng thì trong nhà cũng nóng, nếu vào đông thì lại lạnh cóng vì nó không phải là vật liệu cách nhiệt. Có điều, đây vẫn là lựa chọn rất hợp túi tiền.

Nếu đã quyết tâm chọn bê tông thì bạn nên chi thêm tiền cho lớp cách nhiệt. Ngược lại, đừng ngần ngại khi chọn gạch đá vì nó không những rẻ tiền mà còn thẩm mỹ và cách nhiệt tốt. Chưa kể, đây là vật liệu rất rắn chắc, có thể đi theo bạn đến suốt đời!

Không nhất thiết phải xây gara xe với hàng tá gỗ và thép đắt tiền vì luôn luôn có những sự lựa chọn kinh tế hơn. Lấy tranh để lợp mái gara trông cũng khá hay ho, lại ít tốn kém và rất bền chắc.

3. Tối ưu hoá nguồn tài nguyên

Điều này có nghĩa là bạn phải tính toán sao cho mua vừa đủ nguyên liệu để xây các bộ phận trong nhà – và còn phải trừ hao trong trường hợp bị hư hỏng. Nếu biết chính xác số lượng nguyên vật liệu cần thiết thì bạn sẽ không cần đắn đo giữa việc nên thuê máy ép hay máy trộn bê tông nữa. 

Ngoài ra, bạn còn có thể tái sử dụng thanh kẹp hoặc dùng lại ván gỗ để làm phiến lát khi nhà đã đổ móng xong. Giàn giáo có thể dịch chuyển qua lại nên không cần thuê quá nhiều, nhưng chuyện này vẫn còn tuỳ thuộc vào khả năng quản lí thời gian và công việc của bạn.

4. Trổ tài khéo tay

Dù không phải là bất khả thi, nhưng tự tay xây nhà chẳng phải là việc dễ dàng gì. Tuy nhiên, có nhiều nơi trong nhà cho phép bạn trổ tài xây dựng, ví dụ như phần rào chắn, các khu vực ngoài ban công, sân thượng hoặc tường trong nhà.

5. Chọn vật liệu cách nhiệt

Nâng cấp hệ thống cách nhiệt và chống thấm nước mỗi hai, ba năm vừa phức tạp lại tốn của. Vì thế, tốt hơn hết là hãy lắp vật liệu cách nhiệt hoàn toàn trước khi hoàn tất thi công. Nền nhà nên được sơn một lớp chống thấm nước đặc biệt, còn tường nhà thì phủ sợi thuỷ tinh hay polystyrene. Khớp nối nên được tráng polyurethane. Mái nhà phải có độ dốc tốt và được phủ ngói. Ngoài ra, còn có thể sử dụng ván ốp (một loạt các tấm làm từ gỗ, gốm hoặc đất sét chồng lên nhau như ngói) hoặc lá nhôm. Các vật liệu này vừa cách nhiệt, chống thấm tốt, lại bền bỉ và có nhiều mức giá khác nhau.

6. Lên thời gian biểu cho các hạng mục thi công

Hãy lên kế hoạch cho từng hạng mục khác nhau và bảo đảm là tiến độ theo đúng thời gian biểu. Xây một căn nhà không nên kéo dài quá 6 tháng, nhưng cũng không nhất thiết làm thâu đêm suốt sáng để sớm hoàn thành. Bàn bạc trước về thời gian biểu và lịch thi công với nhà thầu cũng như là kiến trúc sư sẽ bảo đảm nguyên vật liệu được giao đúng thời hạn và nguyên vẹn.

7. Đầu tư vào kiến trúc chính của căn nhà

Một toà nhà bền vững với thời gian nhất thiết phải có nền móng vững chắc. Ví dụ, bạn có thể đúc bê tông cốt thép vào khung hoặc tấm phiến làm từ đá nguyên khối; hoặc sử dụng khung thép có đường kính chắc, dày. Dù tốn kém nhưng thay vào đó, bạn có thể sử dụng vật liệu kinh tế hơn khi xây tường, vừa mỏng nhẹ nhưng cũng không được dễ vỡ. Thực tế thì đây không phải là ý kiến tồi, vì làm như vậy sẽ rất thuận tiện khi bạn muốn đập tường để nới rộng hoặc thu nhỏ diện tích nhà ở.

Chúng ta cũng nên nghiên cứu trước về Mặt Tiền Nhà Phố: 20 Thiết Kế Cực Đẹp Không Thể Bỏ Qua để có sự hình dung sơ lược khi bắt tay xây nhà.

8. Tránh xây quá nhiều tường và cửa ra vào

Hãy để không gian nội thất thật tự nhiên và đừng lạm dụng tường nhà. Bạn nên nhớ rằng các hoạt động xã giao khác nhau có thể diễn ra trong cùng một không gian và không nhất thiết phải có từng phòng riêng cho chúng. Đồng thời, nếu có thể thì cửa ra vào không nên quá dày đặt mà chỉ cần đặt ở những nơi cần sự riêng tư. Nếu làm theo, bạn sẽ tiết kiệm được cả bộn tiền và thỏa mãn 7 Thuật Phong Thủy Quan Trọng Đem Vượng Khí Cho Cửa Chính đấy!.

9. Tận dụng khung cửa và hệ thống chiếu sáng

Chỉ nên đặt các loại cửa sổ và cửa ra vào tại nhưng nơi cần thiết. Điều này giúp bạn tiết kiệm cả hầu bao lẫn diện tích không gian sống. Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng cũng chỉ nên đặt trong tầm nhìn và hoà hợp với phong cách nội thất. Chi tiết này đòi hỏi sự cẩn thận, vì phải làm sao cho hệ thống chiếu sáng giữ được nét hiện đại và công nghiệp nhưng không được quá xuề xoà.

Đặc biệt chúng ta cần chú ý 8 Bí Quyết Phong Thủy Khi Thiết Kế Cửa Chính Và Cửa Sổ khi tích hợp cửa chính và cửa sổ nhé!

10. Điều chỉnh không gian

Mỗi vật liệu có đơn vị đo lường khác nhau, và nếu bạn điều chỉnh diện tích nhà ở dựa trên số đo của chúng thì sẽ tránh lãng phí khi phải cắt bỏ bớt phần này phần kia, chưa kể đến việc vật liệu bị hư hỏng trong khi thi công. 

Nhìn chung, gỗ được tính theo hệ thống đơn vị đo lường của Anh, nhưng gạch và khối đá được đo theo mét. Do đó, việc đầu tiên bạn nên làm là quyết định loại vật liệu nào nên dùng và phân cắt diện tích nhà theo đơn vị đo đó.

Chúng tôi mong là các gợi ý trên sẽ có ích cho bạn. Thay cho lời chào tạm biệt, chúng tôi mời bạn ghé xem Mái Che Kiểu Châu Âu: 16 Mẫu Hoàn Hảo Cho Sân Vườn Nhỏ để hoàn thiện thêm cho căn nhà của mình.

(Theo JOELIA DÁVILA)

Còn nhiều bí quyết thiết kế nhà đẹp, tiết kiệm và hợp phong thủy tại homify!

Cần giúp đỡ với dự án nhà của bạn?
Liên lạc!

Những nội dung đặc sắc từ tạp chí của chúng tôi